Chuẩn bị trước khi mang thai, mẹ cần biết đâu là những việc nên làm và nên tránh để tạo tiền đề cho một thai kỳ khỏe mạnh, đặc biệt là khi chuẩn bị làm mẹ lần đầu.
Cần chuẩn bị trước khi mang thai những gì?
Theo Bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Mạnh, bác sĩ khoa Phụ sản BVĐK Tâm Anh, Hà Nội: “Một trong số những điều cần chuẩn bị trước khi mang bầu đó là sức khỏe. Hai vợ chồng nên kiểm tra sức khỏe tổng quát tại bệnh viện có chuyên khoa sản. Trong đó người vợ cần khám xem tình trạng tim mạch, huyết áp có ổn định, sẵn sàng cho việc chuẩn bị có em bé không; cần siêu âm, xét nghiệm cổ tử cung; cần thử máu xem có thiếu máu hay không…”
Mặt khác, nếu hai vợ chồng có tiền sử bệnh di truyền, có thể bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu.
Việc chuẩn bị sức khỏe để sinh con nhằm đánh giá nguy cơ có thể ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh và mang thai, đồng thời tránh một số bất thường nhiễm sắc thể do các bệnh lý di truyền từ cha mẹ sang con có thể xảy ra. Từ đó bác sĩ sẽ chỉ định hướng điều trị bệnh trước khi chuẩn bị có thai.
Xem thêm
- Trước khi mang thai nên uống thuốc bổ gì?
- Nên ăn gì khi mang thai để bé khỏe mạnh
- Khám thai định kỳ và các mốc khám thai quan trọng
Ăn uống:
Trong bảng kế hoạch trước khi chuẩn bị sinh con, mẹ cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng nhưng giữ cân nặng vừa phải để có sức khỏe tốt. Quá gầy hay tăng cân nhiều đều khiến cho việc mang thai gặp trở ngại.
Một chế độ ăn uống cân bằng, giàu vitamin và khoáng chất là cách tốt nhất để cung cấp cho cơ thể thai phụ các chất dinh dưỡng lành mạnh cần thiết để hỗ trợ thai nhi đang phát triển. Tuy nhiên, chủ dinh dưỡng thôi vẫn chưa đủ để có một thai kỳ hoàn hảo.
Thai phụ cần bổ sung vitamin, acid folic, canxi, sắt… hàng ngày trước khi mang thai 3 tháng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Việc này hỗ trợ sự phát triển thích hợp của thai nhi, giúp phòng tránh dị tật ống thần kinh (dị tật bẩm sinh ở não và cột sống) cho thai nhi.
Tiêm phòng trước khi mang thai:
Một số loại virus khi vào cơ thể mẹ bầu trở nên đặc biệt nguy hiểm, có thể gây ra những dị tật nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong cho thai nhi. Vì vậy, mẹ nên tiêm phòng đầy đủ các mũi tiêm cần thiết và hoàn tất việc tiêm ngừa trước khi chuẩn bị có bầu 3 tháng. Các mũi tiêm ngừa quan trọng bao gồm sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, cúm mùa, viêm gan siêu vi B.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Mạnh chia sẻ thêm: “Tiêm vắc xin trước khi mang thai đóng vai trò quan trọng giúp mẹ và bé tránh khỏi các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Thực hiện biện pháp phòng ngừa trước mang thai sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho bản thân thai phụ và em bé khi không may bị tấn công bởi các bệnh nguy hiểm này. Tiêm vắc xin phòng bệnh trước khi mang thai là một biện pháp dự phòng chủ động, giúp bảo vệ sức khỏe bà mẹ và thai nhi. Chị em phụ nữ cần tìm hiểu những loại vắc xin nào cần được tiêm phòng trước khi mang thai và thời gian bảo vệ của các loại vắc xin là bao lâu để chuẩn bị sẵn sàng tiêm chủng”.
Việc tiêm phòng trước mang thai không chỉ bảo vệ sức khỏe người mẹ mà còn cung cấp cho trẻ sơ sinh một lượng kháng thể (miễn dịch) ngắn hạn để bảo vệ bé trong những năm tháng đầu đời, khi bé chưa đủ tuổi để có thể chủng ngừa vắc xin.
Một số vắc xin cho phụ nữ trước khi mang thai được bác sĩ khuyến cáo là: Vắc xin phòng bệnh cúm, vắc xin phòng bạch hầu – uốn ván – ho gà, vắc xin phòng bệnh sởi – quai bị – rubella, vắc xin phòng bệnh thủy đậu, vắc xin phòng phòng bệnh ung thư cổ tử cung, vắc xin phòng bệnh viêm gan B. Trong khi mang thai, mẹ có thể sẽ được bác sĩ cho tiêm thêm vắc xin VAT (ngừa uốn ván rốn sơ sinh).
Những điều cần tránh trước khi mang thai
- Mẹ cần tránh những tác nhân gây căng thẳng, phải luôn giữ tinh thần thoải mái
- Bỏ rượu, vì rượu có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của em bé. Những người uống rượu khi mang thai có thể sinh con mắc hội chứng rối loạn thai nhi do uống rượu bào (FAS).
- Không hút thuốc, em bé sinh ra bởi người mẹ hút thuốc trong khi thai kỳ có nhiều khả năng bị sinh non, nhẹ cân và có nguy cơ bị khiếm khuyết thần kinh. Ngoài ra, trẻ em sinh ra từ những phụ nữ hút thuốc có nhiều khả năng thử hút thuốc ở độ tuổi trẻ hơn và trở thành người hút thuốc thường xuyên sớm hơn, do nghiện nicotine sinh lý.
- Tránh hóa chất độc hại, hạn chế sử dụng mỹ phẩm
- Tránh làm việc quá sức khiến cơ thể mệt mỏi
- Không nên bồi bổ quá mức gây tăng cân nhiều trước khi mang thai, bởi việc này có thể dẫn tới nguy cơ mắc tiểu đường, cao huyết áp trong thai kỳ (không những gây nguy hiểm cho mẹ bầu mà cả thai nhi).
- Không chỉ mẹ, người cha cũng cần tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, các chất gây nghiện…