Một nguyên do phổ biến của việc trẻ nhỏ hay mút/gặm ngón tay là bé đang mọc răng. Nhưng thực sự còn có nhiều yếu tố khác có thể lý giải thói quen này.
Mút tay giúp trẻ dễ dịu trong quá trình mọc răng
Bác sĩ Sahira Long, Giám đốc Y khoa Trung tâm Sức khỏe Trẻ em Anacostia ở Washington (Mỹ), cho biết: “Trẻ sơ sinh ban đầu khám phá thế giới bằng cách dùng miệng. Khi phát hiện ra mình có đôi bàn tay, trẻ bắt đầu khám phá chúng.
Vào một thời điểm nào đó, răng trẻ bắt đầu mọc. Các bé cũng dần nhận ra đôi bàn tay có thể hữu ích thế nào đối với quá trình mọc răng. Bởi đây là dụng cụ cắn răng (giúp xoa dịu cảm giác khó chịu của nướu khi răng mọc) duy nhất mà phần lớn bé sơ sinh có thể đưa vào miệng, không phải phụ thuộc người khác cấp cho mình và trẻ cũng chẳng cần lo làm rớt”.
Các bé sơ sinh thường bắt đầu cho tay vào miệng khi đước 1-3 tháng tuổi (Ảnh minh họa).
Tất nhiên, bé con của bạn sẽ thuần thục sự kết nối từ bàn tay tới khuôn miệng trước cả khi những chiếc răng nhỏ xinh bắt đầu trồi lên. Cho tay vào miệng thực sự là một cột mốc sớm với bé sơ sinh. Em bé bắt đầu có thể đưa bàn tay vào miệng khi 1-3 tháng tuổi. Ban đầu, bé chưa có kỹ năng giữ các ngón tay trong miệng. “Tuy nhiên, trước 4 tháng tuổi, bé sơ sinh có thể đưa tay vào miệng và để chúng lại nếu muốn”, theo như giải thích của trang web Parenting Counts.
Cho tay vào miệng để bé tự xoa dịu mình
Trang Babies Online cho biết: “Nếu bé chảy rất nhiều nước dãi, có thể con bạn đang bắt đầu mọc răng và bé dùng cả bàn tay để chà xát lên nướu”. Mút tay không gây hại gì cho bé đâu. Nhưng bạn có thể để bé dùng một đồ chơi cắn răng/gặm nướu để thay cho bàn tay, nếu thích. Đáng lưu ý rằng, bé sơ sinh thường thích đồ chơi gặm nướu có độ cứng nhất định hơn là quá mềm. Bởi độ cứng kia thực sự giúp bé xoa dịu áp lực ở phần nướu.
Dấu hiệu bé gặm tay do đau răng và thói quen là khác nhau (Ảnh minh họa).
Nếu bé có vẻ không chảy nhiều dãi hàng giờ mà vẫn cho tay vào miệng, hãy lưu ý thời điểm bé gặm tay nhiều nhất. Đó có thể là xu hướng cho thấy bé đang cố gắng tự xoa dịu mình. Không phải mọi bé sơ sinh đều mút ngón tay. Bé có thể mút 1 hoặc 2 ngón theo cách cụ thể và lặp lại, nhờ đó mà bé thiu thiu đi vào giấc ngủ.
Theo Baby Gaga, thói quen mút ngón tay cái là “tự nhiên với phần lớn bé sơ sinh”. Trang này cũng nhấn mạnh, đôi khi các bác sĩ có thể phát hiện thấy bé mút ngón trỏ ngay từ lúc bé vẫn nằm trong bụng mẹ.
Một vấn đề khiến nhiều cha mẹ lo lắng là bé yêu có thể duy trì thói quen mút ngón tay cái dù đã lớn hơn. Điều đó có thể trở thành nguy cơ dẫn đến việc răng mọc sai, mọc xấu, miệng bị biến dạng không tự nhiên, có thể khiến bé phải niềng răng sau này nếu bé chưa bỏ được thói quen mút/gặm tay. Tuy nhiên, trang web American Dental Association – Hiệp hội Nha khoa Mỹ – khẳng định: “Mút ngón tay cái là phản xạ tự nhiên với trẻ. Mút các ngón tay, ti giả hay các vật dụng khác có thể khiến bé sơ sinh cảm thấy an toàn và vui vẻ. Đồng thời, việc này cũng giúp bé học về thế giới của mình”.
Phần lớn trẻ 2-4 tuổi không còn mút/ngậm tay nữa, hoặc trước khi răng vĩnh viễn mọc ra. Và trong bất cứ trường hợp nào thì việc cho tay vào miệng không gây ra bất cứ hậu quả gì về mặt nha khoa.
Cha mẹ không nên quá lo lắng nếu con hay cho tay vào miệng mút, không gây ra bất cứ hậu quả gì về mặt nha khoa cả (Ảnh minh họa).
Bé sơ sinh cho tay vào miệng bởi đó là một trong những giác quan phát triển sớm nhất
Tiến sĩ Jill Stamm, PGS lâm sàng ngành tâm lý học giáo dục tại Đại học Bang Arizona, giải thích: “Miệng và tay có mạng nơ-ron nhiều nhất trong toàn bộ cơ thể”. Đó là lý do tại sao bé sơ sinh luôn muốn cho bất cứ thứ gì hay thậm chí mọi thứ vào miệng, bởi trẻ nhận được thông tin đầu vào nhiều nhất tại những khu vực này. Vì vậy, đưa vật gì đó vào miệng giúp trẻ nhận biết nhiều điều về vật đó một cách nhanh chóng.
Tóm lại, dù có thể gây cảm giác hơi mất vệ sinh, đưa bàn tay vào miệng đối với bé sơ sinh hoàn toàn bình thường và vô hại.
Nguồn: Romper