Mọi ngày chị Ngọc Trâm (30 tuổi, TP HCM) vẫn thường thật thà với con; không phỉnh gạt dù cho là đùa giỡn, không chỉ trích khi con phạm sai lầm, tôn trọng ý kiến con… Nhưng đến một ngày, chị Trâm “sốc” khi phát hiện con nói dối.
Chị Trâm kể: “Con thành thật tất cả mọi chuyện trừ việc “RỬA TAY TRƯỚC KHI ĂN” – Cái nguyên tắc bất di bất dịch không thể nới lỏng trong gia đình mình.
Chắc cũng vì là nguyên tắc con không được lựa chọn và cũng không thấy hậu quả trước mắt nên con đối phó bằng cách nói dối.
Mỗi lần nôn nóng chuẩn bị ăn mẹ lại nhắc đi rửa tay làm gián đoạn khiến Tin (con trai chị Trâm) bực mình. Nên dù vào nhà vệ sinh cũng chỉ rửa đối phó thật nhanh bằng nước. Rồi ra báo cáo “con rửa xà bông xong rồi mẹ””.
Khi điều chị Trâm sợ nhất về con trai đã xảy ra, mẹ trẻ cảm thấy rất buồn và lo sợ. Chị sợ con trai sẽ nói dối từ việc nhỏ rồi dần nói dối những điều lớn hơn. Và càng cực đoan về việc con nói dối, mẹ trẻ càng nhận thấy mình hành động sai.
“Thời gian đầu mình nghiêm khắc nói với con rằng:
– Cái mẹ ghét nhất là nói dối, con làm sai gì mẹ cũng có thể tha thứ nhưng nếu con nói dối mẹ sẽ không tha thứ cho con đâu.
Mỗi lần bảo con đi rửa tay là hai vợ chồng mình lại vểnh tay liếc mắt xem con có rửa thật không, có nói dối không? Cách xử lý này không khiến con bỏ tật nói dối mà chỉ thôi thúc con cố gắng che đậy kỹ hơn. Thế là vợ chồng mình thay đổi chiến lược”- mẹ trẻ kể lại.
Cách mẹ trẻ dạy khi phát hiện con nói dối
Chị Trâm ngẫm ra, nếu xét ở góc độ sâu sắc, động lực thôi thúc một người luôn thành thật chính là sợ đánh mất lòng tin của người khác, nhất là người tin tưởng và yêu thương mình. Họ chấp nhận chịu mọi hậu quả chỉ cần giữ được nhân cách và uy tín của bản thân. Còn người cố thành thật chỉ vì sợ nói dối bị phát hiện hậu quả sẽ nặng nề hơn, thì trong nội tâm họ luôn là những màn đặt cược. Thành thật thì chắc chắn chịu hậu quả, nói dối thì “5 ăn 5 thua” sẽ che giấu được hoặc hậu quả nặng nề hơn. Và đương nhiên không bao giờ bỏ được tật nói dối.
Thế nên kể từ đó chị Trâm không bao giờ tra khảo khi con nói dối nữa. Những câu kiểu như: “Thật không”, “Đâu đưa tay đây mẹ kiểm tra”, “Rửa xà bông sao mẹ không ngửi thấy mùi”… chị bỏ hết.
Mẹ trẻ cho hay: “Chỉ cần con nói con rửa rồi, con có rửa xà bông thì mình sẽ không tỏ ra hoài nghi. Nhưng sẽ giả vờ bảo con đến đây mẹ xem thử sạch xà bông chưa. Hôm nào phát hiện con nói dối thì mình cũng vờ không biết rồi lựa lời dẫn con vào rửa lại như: “Chỗ này còn hơi dơ nè Tin”, “Ơ tay mẹ dơ mà lỡ đụng vào tay Tin rồi, vô đây mẹ rửa lại cho nha”…
Trong mọi chuyện nếu có người nói những câu nghi ngờ với Tin mình sẽ luôn bênh vực và khẳng định : “Con luôn thật thà mà, mẹ tin con”.
Rồi đến một ngày chai xà bông được mang ra ngoài bồn rửa chén. Tin từ nhà về sinh bước ra mình hỏi:
– Rửa tay bằng xà bông chưa con?
Tin dõng dạc bảo có. Thế là mình vào nhà vệ sinh rửa tay và tỏ vẻ bất ngờ: “ủa trong nhà vệ sinh đâu có xà bông Tin, sao con nói với mẹ con rửa xà bông rồi”. Thằng nhỏ hú hồn.
Sau đó mình im lặng bỏ đi không thèm nói câu nào. Con trai biết mình giận nên chạy để xin lỗi rối rít, mình chỉ nói:
– Con là người mẹ tin tưởng nhất, mà con lại nói dối mẹ, con làm mẹ thất vọng quá, mẹ rất buồn. Lòng tin của người khác đối với mình là điều quý giá nhất. Nếu con nói dối thì dần dần người khác không còn tin con nữa, sau này con nói gì cũng không ai tin.
Tin xin lỗi và hứa sẽ không nói dối nữa. Đợt đó con giảm hẳn tật nói dối”.
Tuy nhiên, việc nói dối của cậu bé vẫn lặp lại. Cậu bé leo lên ghế ăn khi chưa rửa tay nhưng vẫn nói là rửa rồi. Chị Trâm tỏ ra rất thản nhiên và coi như con đã vệ sinh sạch sẽ tay chân trước khi ăn. Nhưng chị lại nói với bố của cậu bé rằng: “Hôm bữa em đọc tin tức có bé không rửa tay mà bóc đồ ăn xong đau bụng, bị bệnh phải vô bệnh viện kiểm tra bụng, vi khuẩn quá trời luôn. Sợ ghê”. Nghe thế cậu bé chột dạ và thú nhận mình chưa rửa tay. Chị Trâm vui vẻ đưa con đi vệ sinh đôi tay của mình mà không hề khiển trách bé.
“Hiện tại mình chưa gặp vấn đề gì nan giải với việc nói dối của con nữa. Cả việc rửa tay xà bông trước khi ăn con cũng tự giác và thoải mái thực hiện không còn khó chịu như trước.
Mình xem việc con nói dối là bình thường nhưng không xem thường và phiên phiến cho qua. Trừ trường hợp con đùa giỡn thì mình không xem đó là nói dối nên không bàn tới. Từ hành vi vô tư ban đầu sẽ biến thành thói quen, từ thói quen trở thành phản xạ của tiềm thức là một con đường thẳng tắp.
Mình nghĩ không phải cái gì bình thường cũng không cần dạy. Quan trọng là cách xử lý. Và đương nhiên mình phản đối việc xử lý gay gắt, dùng đàn áp để đè nén. Nhiều người hay nghĩ, trong cuộc sống này đôi lúc cũng không thể luôn nói thật nên đừng khắt khe với việc dạy con phải thật thà.
Nhưng hình như có sự nhầm lẫn giữa bản tính và hành vi. Người có bản tính thật thà họ sẽ có lúc nói dối nhưng tâm thế họ khác lắm và chỉ những người này mới biết thật sự việc nào nên và không nên nói dối. Nhiệm vụ của mình chỉ có thể giúp con có nội tâm thật thà chứ không thể dạy con cái nào nên nói dối cái nào không, vì việc này cần sự sâu sắc của bản thân con” – mẹ trẻ bộc bạch.