Khoa học chứng minh rằng, rượu có thể lây nhiễm cho thai nhi, khiến não chậm phát triển. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, điều này có thể gây ra những khiếm khuyết trên khuôn mặt.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới của Úc được xuất bản trên tạp chí JAMA Pediatrics đã phát hiện ra rằng, một lượng rượu nhỏ cũng có thể làm thay đổi khuôn mặt của trẻ mà không ảnh hưởng đến sự nhận thức của não.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích hình ảnh của 415 khuôn mặt trẻ em và phát hiện rằng, có một loạt các sự khác biệt tinh tế liên quan đến việc người mẹ của chúng uống rượu khi mang thai – chẳng hạn như mũi hếch và ngắn hơn.
Những phát hiện này đã bổ sung thêm thông tin cho những nghiên cứu liên quan đến việc mang thai và uống rượu. Không có một số liệu cụ thể về lượng cồn an toàn để sử dụng trong thai kỳ.
CDC cảnh báo rằng: “Không có số liệu về lượng rượu an toàn để sử dụng trong thời gian mang thai hoặc sắp có thai. Cũng không có thời gian nào là an toàn trong khi mang thai để uống rượu. Tất cả các loại rượu đều có hại”.
Nghiên cứu mới này của Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch ở Victoria, Australia cho thấy, bất kỳ lượng rượu tiêu thụ nào cũng để lại những hậu quả đối với sự phát triển xương sọ ở trẻ em.
Đây là một trong những bài báo nghiên cứu đầu tiên khám phá xem rượu đã ảnh hưởng đến khuôn mặt của thai nhi như thế nào. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát các bà mẹ trong ba tháng đầu của thai kỳ từ các phòng khám thai công cộng tại Melbourne, Úc, từ tháng 1 năm 2011 đến tháng 12 năm 2014.
Sau đó, họ tiến hành khảo sát đối với 415 trẻ em da trắng (195 bé gái và 220 bé trai), những đứa trẻ đã tiếp xúc với nhiều loại thức uống có cồn, từ việc người mẹ của chúng uống rượu trong suốt thời kỳ mang thai đến những người chỉ uống rượu 1 ít trong ba tháng đầu.
Sau khi phân tích hình ảnh sọ não ba chiều, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự khác biệt đáng kể về hình dạng xương sọ giữa con của những phụ nữ kiêng rượu trong thời kỳ mang thai và những người đã từng uống rượu trước khi sinh.
Sự khác biệt rõ nét đã được nhìn thấy xung quanh phần giữa khuôn mặt như mũi, môi và mắt. Trẻ em tiếp xúc với rượu nhiều khả năng sẽ có khuôn mặt bị hõm xuống và mũi hếch lên. Những đứa trẻ tiếp xúc ít với rượu trong tam cá nguyệt đầu tiên thường có xu hướng khác biệt một chút về kích thước trán.
Trẻ sơ sinh tiếp xúc với rượu ở mức độ vừa và cao trong tam cá nguyệt đầu tiên có khuynh hướng cho thấy sự khác biệt về mắt, phần giữa khuôn mặt, cằm và đầu. Các tác giả kết luận: “Mặc dù ý nghĩa lâm sàng của những phát hiện này vẫn chưa được xác định, nhưng họ ủng hộ kết luận rằng, đối với phụ nữ đang mang thai hoặc sắp mang thai, tránh uống rượu là một lựa chọn an toàn nhất”.